MỤC LỤC
Cốt truyện Elden Ring
Mặc dù VaatiVidya ra video cốt truyện khá trễ, nội dung cũng không mới và đều đã được chỉ ra bởi cộng đồng, nhưng một phần là vì game vốn mơ hồ, một phần do Vaati đã mất thời gian tham khảo và tổng hợp thông tin rất nhiều trước khi làm video, nên cũng nhờ vậy mà những gì anh ta nói rất súc tích và đầy đủ, giúp người xem nhìn ra ngay bối cảnh game trong một video 30 phút.

Trong bài viết này mình sẽ dịch lại kiêm phân loại, chú thích, bổ sung và dẫn link liên kết toàn bộ những gì Vaati đã nhắc tới cùng với những bài viết về cốt truyện mà mình từng biên soạn, hy vọng nó sẽ có ích cho những bạn thích tìm hiểu thêm về bối cảnh, lịch sử của các nhân vật và sự kiện trong game. Bài viết này sẽ dài và đầy chi tiết spoil, mọi người cân nhắc khi đọc.
Khởi nguyên của Elden Ring
Câu chuyện của Elden Ring không bắt đầu ở Lands Between, mà nó khởi nguyên từ vũ trụ sâu thẳm với một vị Ngoại Thần được gọi là Greater Will (Ý Chí Vĩ Đại). Sẽ có những Ngoại Thần (Outer God) khác được nhắc tới xuyên suốt game. Chúng có thể gần giống với Great Ones trong Bloodborne, những thực thể trong vũ trụ xa xăm, toàn năng mà ta không thể hiểu rõ (đậm chất Lovecraftian).
Tất cả những Ngoại Thần đều muốn gia tăng ảnh hưởng của họ lên vùng đất Lands Between, mà trong số đó thì Greater Will là kẻ chiếm ưu thế nhất. Để khẳng định sức mạnh, Greater Will ném xuống một ngôi sao băng màu vàng kim, bên trong đó chứa một con mãnh thú chính là Elden Beast – con thú chư hầu của Greater Will, nó là cánh tay nối dài của vị Ngoại Thần, là hiện thân sống cho khái niệm về Trật Tự Vàng mà Greater Will áp đặt.
Chính Elden Beast cũng là bản thể thực sự, là nguồn cội cho sức mạnh của Elden Ring, được thể hiện thông qua những mảnh Runes, có những mảnh to và mảnh nhỏ, nhưng khi ghép lại chúng đều mang sức mạnh tạo lập nên quy luật cho sự sống, chi phối mọi sinh linh ở Lands Between. Các quy luật này đã được nghiên cứu và bàn luận nhiều bởi các học giả theo chủ nghĩa cơ yếu (Fundamentalist), nhưng chủ yếu nó gồm Quan Hệ Nhân Quả (Causality) Quy Luật Hồi Quy (Regression).
Quan Hệ Nhân Quả chỉ ra liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả mà chúng ta không thể tránh khỏi, khi mọi hành động đều có hậu quả của nó và mỗi hậu quả lại dẫn đến một sự việc tiếp diễn đến vô cùng tận. Quy Luật Hồi Quy chỉ ra bản chất của sự vật sự việc luôn có xu hướng quay lại nguồn gốc của nó (tức tương tự như câu “lá rụng về cội”) thể hiện thông qua hình ảnh và cách vận hành của Erdtree.
Chuyện Greattree và Erdtree
Vùng đất Lands Between có lịch sử lâu đời trước cả khi Greater Will hay Elden Beast đến, khi Elden Ring chưa xuất hiện, thì đã có những giống loài, những thế lực và thần thánh khác ở vùng đất này. Thậm chí, đã có một cái cây lớn – Greattree, cây của sự sống nguyên thủy khác từng tồn tại trước Erdtree, nó liên quan mật thiết tới Regal Ancestor Spirit và có thể chính là Crucible (Cái Vạc Của Sự Sống), và từ đó mà toàn bộ sự sống đã sinh sổi nảy nở.
Tuy nhiên, đến thời đại của Erdtree, nó đã chiếm ưu thế và ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống ở Lands Between, nhưng bằng cách nào? Trên thực tế, Erdtree có thể xem như một dạng ký sinh, rễ của nó bòn rút, hút hết sinh lực từ Greattree nguyên thủy. Vật phẩm Root Resin có miêu tả: “Rễ của Greattree từng được liên kết với rễ của Erdtree, người ta nói vậy đấy, và đó là lý do tại sao các hầm mộ (Catacombs) được xây dựng xung quanh rễ Greattree.“
Bản thân Greattree chắc chắn là một nguồn sinh lực nguyên thủy dồi dào và đáng giá, thế nên Greater Will mới chú tâm xâm chiếm vùng đất này ngay từ đầu, các Outer God và thần thánh khác cũng có thể như thế. Vì Greattree bị đánh bại, nên tất cả các phe cánh liên quan tới nó về sau đều bị xem thường, xa lánh hoặc nô dịch… như các Omen, Misbegotten, hoặc Crucible Knights.
Từ mô tả của Crucible Knot Talisman cũng có thể thấy rõ: “Tấm bùa hộ mệnh được làm từ một nút xương thể hiện các khía cạnh của những sinh vật khác nhau… Một dấu tích quan trọng của sự sống nguyên thủy. Được sinh ra một phần từ quá trình phát triển, nó được coi là một biểu tượng của thần thánh trong thời cổ đại, nhưng ngày nay ngày càng bị coi thường như một thứ ô uế khi nền văn minh đã phát triển.“
Có thể thấy, công tác tuyên truyền của Golden Order không muốn ai biết được về quá khứ tội lỗi của nó, rằng Erdtree đã chiếm hữu Greattree như thế nào, hay Greater Will đã bôi xấu các vị thần nguyên thủy của Lands Between ra sao. Vương triều của Erdtree đã chiến thắng bằng bạo lực, như mô tả Protection of the Erdtree: “Ban đầu, mọi thứ đều đối lập với Erdtree. Nhưng trải qua vô số chiến thắng trong giao tranh, nó đã trở thành hiện thân của Trật Tự.“
Melina từng nói với Tarnished như sau: “Theo lời của Marika. Erdtree cai quản tất cả. Sự lựa chọn là của bạn. Trở thành một với Order. Hoặc tự mình thoát khỏi nó. Để vùng vẫy ở biên cương; với một khởi đầu mới bất lực.” – Bạn chỉ có hai con đường, một là trở thành thần dân của Erdtree, hai là bỏ xứ mà đi, làm một Tarnished ở vùng đất xa xôi hoang lạnh.
The Fingers và Empyrean
Vì không bao giờ trực tiếp xuất hiện, Greater Will cần có những phái viên để thay mặt điều hành công vụ, chính vì thế mà Two Fingers xuất hiện. Mô tả của của Two Fingers Heirloom viết: “Fingers không thể nói, nhưng thông điệp của chúng rất hùng hồn. Chúng liên tục vặn vẹo, viết ra những điều bí ẩn trong không trung. Nhờ đó, chúng ta đã hiểu được các từ ngữ. Những lời từ đức tin của chúng ta.“
Những từ ngữ của Two Fingers được truyền đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà người dịch ra nó cho các tông đồ là các Finger Reader (Enia là một trong số đó), họ là những bà lão bất tử có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp Lands Between, họ từng truyền đạt mệnh lệnh từ Two Fingers cho các thần dân của Erdtree. Mặc dù vậy, hiện tại hầu như các Finger Reader đã mất đi mục đích sống của mình vì các Two Fingers đều đã bất động từ lâu.
Người chơi cũng có thể tìm thấy những gì còn lại của Two Fingers ở nhiều nơi, ví dụ tại Divine Towers, trên đỉnh các tòa tháp này, bạn có thể lấy lại được “sự ban phước” từ Two Fingers nhằm kích hoạt sức mạnh của Great Runes. Two Fingers hiện bất động và có thể xem như đã chết. Theo lời của Enia thì sau sự kiện The Shattering, chúng bận bịu tham vấn cho Greater Will và có thể phải mất hàng nghìn năm để tái vận hành trở lại nếu trật tự cũ được khôi phục.
Enia nói: “Các Ngón Tay vẫn bất động. Họ bị sang chấn bởi sự thay đổi này, họ đang bận rộn với việc tham vấn ý kiến của Greater Will. Khi họ hoàn thành, các Ngón Tay sẽ một lần nữa đưa ra hướng dẫn của họ. Nhưng sẽ mất hàng nghìn, nếu không phải hàng chục nghìn mùa trăng trôi qua. Không có vấn đề gì đối với ta. Nhưng ngươi? Làm thế nào ngươi có thể đợi chừng ấy thời gian…“
Có thể thấy, Two Fingers thực sự quyền lực, nhưng cả chúng và Greater Will đều có giới hạn, trong khi một Outer God vốn không trực tiếp xuất hiện, Two Fingers lại thụ động, nên cuối cùng chúng cần một đại diện khác trở thành bộ mặt cho Golden Order. Chính lúc đó, Nữ hoàng Marika – một Numen được chọn để trở thành Empyrean, đã được xác lập như vị thần của Lands Between.
Vậy Empyrean là gì? Có thể hiểu đó là một cá thể được các Fingers lựa chọn làm ứng viên để đạt thần cấp (Godhood) – vị trí lãnh đạo mang tính chính danh tại Lands Between. Đó là thứ mà Marika đã đạt được. Chúng ta không biết nhiều về quá khứ của bà ta, chỉ biết rằng Marika là một Numen – chủng người ưu việt được mô tả như sau: “Numen đến từ bên ngoài Lands Between, được cho là hậu duệ của giống loài đến từ thế giới khác. Họ sống lâu, nhưng hiếm khi được sinh ra.“
Nữ hoàng Vĩnh Hằng Marika
Có thể nói Marika khá giống Gwyn trong Darksouls, nhưng thay vì là một thực thể vô tình tìm kiếm được sức mạnh, bản thân Marika đã đạt được thần cấp bằng chính năng lực của mình, Greater Will chọn bà vì năng lực không thể chối cãi. Một Empyrean như Marika được Fingers chỉ định một Shadow – con sói luôn trung thành phục vụ mọi nhu cầu của chủ nhân. Shadow không có năng lực cãi lệnh Empyrean mà bản thân mình bị ràng buộc. Maliketh là Shadow của Marika, trong trường hợp của Ranni thì đó là Blaidd.
Empyrean có thể sai phái Shadow tùy ý họ, nhưng Marika đã lệnh cho Maliketh làm một việc rất khác, bà lấy Rune of Death trao cho hắn trông coi. Rune of Death cũng chính là Destined Death theo lời của Enia, nó chi phối cái chết tự nhiên ở Land Between và một phần cấu thành nên Elden Ring. Đây là một động thái rất thông minh, vì lúc đó Marika hoàn toàn đẩy lùi cái chết của bản thân, cũng như hoàn toàn kiểm soát cái chết thông qua bề tôi trung thành nhất của mình là Maliketh.
Vào thời khắc ấy Marika mới trở thành “Nữ hoàng Vĩnh Hằng”. Thế nhưng, khi cái chết tự nhiên không còn nữa, thì làm sao mà các sinh vật có thể thực sự chết? Chi tiết này được lý giải là khi “chết”, linh hồn và thể xác của sinh vật trở về với Erdtree và bị nó nuốt chửng hết, đó là lý do mà các Catacombs tồn tại bên dưới lòng đất, nơi bạn có thể thấy xác và xương của sinh vật chết bị rễ cây quấn lấy, trong khi linh hồn của họ trực tiếp được “đục đẽo” vào Erdtree phát sáng ở phía trên.
Hầu hết những con Boss chính đều rơi ra Remembrance với mô tả “hewn into the Erdtree” (đục đẽo vào trong Erdtree), trừ Radagon, bởi hắn ta là Phase 1 của trận đấu Boss Elden Beast và chỉ khi nào bạn đánh bại Elden Beast nó mới rơi ra cái Elden Remembrance. Trong tình huống này, các linh hồn không có sự lựa chọn, một là hòa vào cùng làm một với Erdtree khi chết, hai là vất vưởng, lang thang vô định, trở thành những undead, những bộ xương trắng vật vờ…
Như vậy, giây phút Marika thao túng Rune of Death, thì đó chính là lúc Golden Order được sinh ra. Tức là, Golden Order trên thực tế chính là sản phẩm của Marika, nó lại không giống “Order” vốn có của Greater Will (khi mà Rune of Death chưa bị tách rời). Trong thời đại thịnh trị của mình, Marika đã gây chiến khắp nơi, bà dấy binh đánh Người Khổng Lồ, đánh Storm Lord ở Stormviel, hạ gục lũ rồng do Placidusax dẫn đầu và cuối cùng là đối mặt với Hoàng gia Caria và học viện Raya Lucaria – thế lực hùng mạnh do Nữ hoàng Rennala lãnh đạo vốn có quan điểm đối nghịch với Golden Order.
Godfrey, First Elden Lord
Giống như Greater Will cần Marika để đại diện cho nó một cách sinh động và trực quan, bản thân Marika cần một người đáng tin cậy để thống lĩnh binh tướng cho mình, và đó là lý do mà vị trí Elden Lord – hay Chosen Consort (Phối Ngẫu Được Chọn) của Nữ hoàng ra đời. Kẻ lọt vào mắt xanh của Nữ hoàng là Hoarah Loux, thủ lĩnh của một bộ lạc thiện chiến, được mệnh danh là “chúa tể trận mạc”. Bà ta cưới Hoarah Loux và buộc ông phải đổi tên thành Godfrey và giữ “tư cách đạo đức” của một Chúa tể đáng kính.
Đó là lý do mà Godfrey tạo ra con sư tử Serosh – thực thể được dùng để kiềm hãm tính hiếu chiến của ông ta, biến một chiến binh hoang dại, khát máu, thành Elden Lord cho vừa ý Marika. Hai người họ có với nhau 3 đứa con là Godwyn – người bị giết chết dẫn tới The Shattering, anh em sinh đôi Morgott và Mohg – các Omen bị Marika vứt bỏ. Morgott, The Omen King dù không được thương yêu nhưng vẫn trung thành và canh giữ Erdtree tới giờ phút cuối, Mohg thì sau đó đã trở thành Lord of Blood nhờ sự ban phước của Formless Mother.
Về trường hợp của Godrick, hắn ta không phải là Demigod, hay đúng hơn hắn là một Demigod trên danh nghĩa, còn về bản chất thì chỉ là một người con cháu nào đó của Godwyn. Nhưng tựu chung, hễ là con cháu của Godfrey, thì đều được xem là Golden Lineage cả. Trong chiến trận, Godfrey dẫn đầu 16 Crucible Knight đi chinh phạt, đánh bại Người Khổng Lồ, Storm Lord và loài rồng, thậm chí vị thần nguyên thủy của Người Khổng Lồ đã bị chính Marika đánh bại, từ đó tạo nên thời cực thịnh của Golden Order – Thời đại của Erdtree.
Melina tường thuật lại lời nói của Marika cho Tarnished nghe như sau: “Theo lời của Marika. Nghe đây, những chiến binh dũng cảm. Nghe đây, chúa tể của tôi, Godfrey. Chúng tôi khen ngợi những chiến công của ngài. Đức tin dẫn lối đã đưa ngài vượt qua thử thách, đến vị trí nơi ngài đang đạt được. Ngài kề kiếm vào cổ bọn khổng lồ và giam giữ ngọn lửa trên đỉnh núi cao. Hãy để một kỷ nguyên mới bắt đầu. Một kỷ nguyên lấp lánh với cuộc sống. Hãy tung hô Elden Ring, cho Kỷ nguyên Erdtree!“
Cứ thế, dòng tộc của Marika chinh phạt Lands Between, nhưng đối thủ đáng gờm nhất của họ vẫn chưa bị đánh bại, đó là Hoàng gia Caria ở vùng đất sương mù Liurnia do Rennala dẫn đầu, bởi họ có lực lượng thiện chiến, lại am tường pháp thuật được phù hộ bởi God of the Dark Moon. Tại thời điểm này vai trò của Radagon of the Golden Order trở nên rõ rệt hơn cả, thay vì tiếp tục chiến trận, ông ta hứa hôn với Rennala, từ đó Gia tộc của Erdtree và Gia tộc của Mặt Trăng đã trở thành thông gia.
God of the Dark Moon là nguồn gốc của Sorcery và Greater Will là nguồn gốc của Faith, hai khái niệm này thường được nhắc tới trong game của FromSoftware, theo như lời của Vaati nhận xét thì là như vậy, chúng là “hai mặt của một đồng xu” và đều có nguồn gốc từ vũ trụ. Radagon và Rennala có 3 người con, Lunar Princess Ranni kế thừa Ma Thuật Ánh Trăng của mẹ, Radahn giống cha mình và đã học được ma thuật thao túng trọng lực, và Rykard – kẻ đã tạo ra môn Hex Sorcery mới và hiến mình cho con rắn lớn ở núi Gelmir – God Devouring Serpent.
Âm mưu của Nữ hoàng Marika
Một thời gian sau đó, Marika bắt đầu đặt câu hỏi về Greater Will cũng như chính Golden Order mà bản thân mình đã tạo ra, bà mất niềm tin vào nó, và muốn đào sâu tìm hiểu nhiều hơn, theo lời Melina thuật lại, Marika đã nói: “Theo lời của chính Marika. Ta tuyên bố ý định của mình, để nhìn vào sâu thẳm của Golden Order. Nhờ hiểu biết về cách thức thích hợp, đức tin của chúng ta, ân sủng của chúng ta, được gia tăng. Những ngày đầu hạnh phúc của niềm tin mù quáng đã qua lâu rồi. Các đồng chí của ta; tại sao các người phải chùn bước?“
Động lực và ý định thực sự của Marika, cũng như cách xây dựng nhân vật này sẽ được bàn luận nhiều năm sau nữa, nhưng tóm lại đây là lúc Marika muốn tìm hiểu về những thứ mà Greater Will đã che giấu trong quá khứ. Bà ta tin rằng chỉ bằng cách phá vỡ trật tự vốn có, thì mới có cơ hội tìm ra được những huyền cơ. Với quan điểm như vậy, bà lưu đày Godfrey khi ý chí chiến đấu của ông đã không còn nữa, khi tất cả những kẻ thù đáng gờm đều đã bị đánh bại.
Marika đã nói: “Chúa tể của tôi, và các chiến binh của ngài. Ta lấy lại ân sủng của các người. Với đôi mắt đã mờ đi, các ngươi sẽ bị đuổi khỏi Lands Between. Các ngươi sẽ đi gây chiến ở một vùng đất xa, nơi các ngươi sẽ sống và chết.” – Đây là sự kiện được gọi là Long March of the Tarnished (Cuộc hành quân trường kỳ của những kẻ nhơ nhuốc) và Godfrey là Tarnished đầu tiên. Tuy nhiên đó là sự sắp đặt của Marika dành cho họ, để họ có thể chiến đấu và phát triển ngoài tầm ảnh hưởng của Erdtree, chờ một ngày trở về.
Marika đã định trước ngày các Tarnished trở về: “Sau đó, sau khi ngươi chết, ta sẽ trả lại những gì ta đã từng đoạt lấy. Hãy quay trở lại Lands Between, tiến hành chiến tranh và nâng cao Chiếc nhẫn Elden. Hãy mạnh mẽ đối mặt với cái chết. Các chiến binh của chúa tể của ta. Chúa tể Godfrey.” – Marika cho thấy bà rất tôn trọng Godfrey, và đặt niềm tin vào các Tarnished, những chiến binh dưới trướng ông, bao gồm cả nhân vật của người chơi. Sau đó, Radagon bỏ rơi Rennala và quay về Leyndell, trở thành chồng thứ hai của Marika.
Cụ rùa Miriel Pastor of Vows đã rất nghi vấn về sự kiện này, ông nói:
“Bí ẩn vẫn tồn tại cho đến ngày nay… Tại sao Chúa tể Radagon lại gạt Lady Rennala sang một bên… và hơn thế nữa… tại sao một nhà vô địch đơn thuần lại được chọn cho vị trí của Chúa tể Elden”. Mi biết đấy, người ta nói rằng Radagon đã che giấu một bí mật… Một nhà điêu khắc nổi tiếng của Thủ đô Erdtree đã từng được triệu tập để vẽ lại hình dáng của Lord Radagon với tầm vóc khổng lồ. Khi anh ta nhìn thấy bộ xương trong tủ của Radagon. Và như vậy, người ta nói rằng bức tượng tuyệt vời cũng chứa đựng bí mật của ông ấy.“
Chú thích: Nguyên văn ở trên “bộ xương trong tủ” là một cụm từ trong tiếng Anh (a skeleton in the closet) nó ám chỉ một bí mật động trời mà chủ nhân che giấu.
Nữ hoàng Rennala đáng thương
Khi Radagon bỏ đi, thậm chí dẫn theo cả ba đứa con về Leyndell để được ân sủng thành Demigod, Rennala ở lại một mình với trái tim tan vỡ, bà ta suy sụp và không còn là nhà lãnh đạo được kính trọng như ngày nào. Đó là lúc quần thần của Caria nổi dậy đảo chính, dẫn tới nội chiến giữa một bên là Học viện Raya Lucaria và một bên là Hoàng gia Caria. Vào chính thời điểm này, thời thịnh trị của Golden Order, Ranni đã ăn cắp một mảnh Rune of Death từ Maliketh, chỉ một mảnh nhỏ, nhưng gây tác động lớn.
Sự kiện The Shattering
Maliketh bấn loạn vì một mảnh Rune of Death bị đánh cắp, hắn tiến xa hơn một bước để bảo vệ nó, bằng cách nhập nó vào chính cơ thể của mình, thay vì gắn trên thanh kiếm như lúc trước. Tuy nhiên, mọi biện pháp đã quá trễ, Ranni đã cho các sát thủ sử dụng mảnh Rune ngay lập tức, giết chết Godwyn – đứa con sáng giá của Marika, kẻ là bộ mặt của Golden Order và chi phối Giáo phái thờ Rồng hùng mạnh. Godwyn chết có nghĩa là sức mạnh của Golden Order giảm đi đáng kể.
Cái chết của Godwyn ghi nhận lần đầu tiên một Demigod có thể bị giết chết như vậy, và nó sớm trở thành công thức để kẻ khác nhìn theo. Không lâu sau đó, Elden Ring bị đập vỡ bởi chính Marika, dẫn đến cuộc nội chiến The Shattering. Khả năng Marika đứng sau tất cả là rất cao, Ranni cũng chỉ là một phần trong kế hoạch của bà nhằm phá vỡ Golden Order. Và như mình đã nói trong những bài viết trước, Marika và Radagon có quan điểm đối lập theo mô típ Red King và White Queen. Radagon trung thành với Greater Will và cố gắn hàn lại Elden Ring nhưng thất bại.
Việc Elden Ring vỡ nát có thể là lý do Golden Order cho xây 6 Divine Tower, nhằm thu thập và hàn gắn lại 6 mảnh lớn của các Great Runes và khôi phục Elden Ring. Dựa trên bản đồ có thể thấy 6 cái Divine Tower xếp thành vòng tròn, ám chỉ rằng trật tự của Golden Order có thể được tái lập theo một cách nào đó. VaatiVidya cũng nhắc tới bản chất trong mối quan hệ của Marika và Radagon, tuy hai mà một, tuy một mà hai, tương tự như khái niệm Rebis trong Giả Kim Thuật mà mình đã từng nhắc đến lúc trước.
Đồng thời, Greater Will cũng có âm mưu cho Radagon biến thành và thay thế hoàn toàn Marika sau khi họ nhập lại làm một. Thể hiện thông qua thoại của Marika được Melina tường thuật: “Lời nói vẫn còn vang vọng ở đây. Lời của chính Nữ hoàng Makira, người đã biến mất từ lâu. Nếu anh muốn, tôi sẽ chia sẻ với anh. Theo lời của Marika. Hỡi Radagon, con chó săn trung thành của Golden Order. Ngươi chưa trở thành ta, ngươi vẫn chưa trở thành thần. Hãy để cả hai chúng ta tan vỡ, nửa kia của ta.“
Về Malenia và Miquella
Mặc dù bất đồng quan điểm, vẫn có một thời gian Radagon và Marika hòa thuận với nhau, kết quả là họ có hai đứa con Empyrean, Malenia và Miquella.
Hai đứa con sinh đôi này không trở thành Empyrean vì được Fingers chọn, mà là chúng vốn được sinh ra từ một vị thần duy nhất, nên đã linh thiêng và có thần cấp từ khi mới chào đời. Thế nhưng, vì cả hai đều mang lời nguyền, nên dường như đã không thích hợp để kế thừa ngai vàng của mẹ. Cả ba Empyrean đều không đủ chuẩn, Ranni thì phản bội và có kế hoạch riêng (Age of the Stars), Malenia dính Scarlet Rot, còn Miquella thì không lớn được.
Thậm chí Miquella đã chối bỏ Golden Order, vì họ không chữa được căn bệnh của Malenia. Miquella là một thiên tài, cậu đã tạo ra Haligtree, cố tự tìm ra cách chữa cho chị mình và cho chính bản thân, mặc dù vậy phương pháp của cậu chưa kịp hoàn thiện thì đã bị can thiệp bởi Mohg. Như vậy, The Shattering diễn ra và rơi vào thế cục bế tắc, khi không ai đủ mạnh để chiếm hết các Great Runes nhằm nắm lấy thiên hạ. Đến đây, kế hoạch của Marika vẫn tiếp diễn, bởi Tarnished đã được kêu gọi trở lại từ vùng đất hoang lạnh… kẻ Maidenless với sự dẫn dắt của Melina…
Và trò chơi Elden Ring bắt đầu, kết thế nào là do bạn chọn.
Shadow of the Erdtree